5/5 - (1 bình chọn)

Cuộc khủng bố ngày 11/9 đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh, vụ phá sản của ngân hàng Lehman dẫn đến các cú sốc về kinh tế và chính trị.

Khi các nhà sử học nhìn lại thế kỷ 21, họ sẽ chỉ ra 2 cú sốc. Thứ nhất là vụ tấn công khủng bố tại Mỹ ngày 11/9/2001. Thứ hai là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đúng tháng 9 này cách đây 10 năm, cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu trở nên căng thẳng với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers.

Cuộc khủng bố ngày 11/9 đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh, vụ phá sản của ngân hàng Lehman dẫn đến các cú sốc về kinh tế và chính trị. Khi mà cuộc chiến vẫn tiếp diễn, những đổ vỡ trong hệ thống kinh tế và tài chính chưa chấm dứt, theo báo Economist.

Lehman đã thất bại sau khi ngân hàng này mất tiền do những khoản vay và các chứng khoán xấu liên quan đến thị trường bất động sản Mỹ. Sự phá sản của ngân hàng này gây ra nhiều sự hỗn loạn.

Thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho thấy thương mại các nước đều suy giảm sau vụ sụp đổ của ngân hàng này. Tín dụng ra nền kinh tế thực giảm, ước tính chỉ riêng tại Mỹ giảm đến 2 nghìn tỷ USD.

Để giảm bớt nợ nần, chính phủ các nước viện đến biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Và sau đó, khi không thể hạ lãi suất hơn được nữa, người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương tìm đến biện pháp nới lỏng định lượng (in tiền để mua trái phiếu”.

Có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính, và hậu quả cũng nhiều không kém. Khủng hoảng tài chính đã thay đổi hệ thống tài chính, câu hỏi ở đây là liệu thay đổi đủ nhiều chưa?

Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu bạn cho rằng những sự thay đổi sẽ giúp chấm dứt tất cả các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai. Sự đổ vỡ mang tính hệ thống của ngành ngân hàng là đặc điểm của nhân loại. Theo tính toán của IMF, trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến năm 2007, có đến 127 cuộc khủng hoảng.

Chính vì vậy, không có gì nghi ngờ, khủng hoảng sẽ tiếp tục tái diễn. Tính đến việc chính quyền Tổng thống Trump đang nới lỏng bớt các quy định trong ngành tài chính và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa khôi phục lại các quy định tối thiểu về vốn, rủi ro đang tồn tại. Thậm chí cả khi các nhà hoạch định chính sách cực kỳ cẩn thận, không ai có thể dự báo chính xác được khủng hoảng.

Điều tốt hơn có thể làm chính là cố gắng dự báo trước được về khả năng và cố gắng hạn chế quy mô của cuộc khủng hoảng. Trên phương diện này, có cả tin tốt lẫn tin xấu.

Giờ đây, tiềm lực tài chính của các ngân hàng tốt hơn trước, họ cũng đỡ nợ nần hơn. Họ bớt phụ thuộc vào hoạt động đầu tư hoặc một số hoạt động kinh doanh ngắn hạn để kiếm tiền. Ngay cả tại châu Âu, nơi rất ít ngân hàng kiếm được lợi nhuận cao, hệ thống giờ cũng đã mạnh hơn trước rất nhiều. Các nhà quản lý đã tăng cường giám sát, đặc biệt với những tổ chức được đánh giá “quá lớn để sụp đổ”.

Các ngân hàng cả ở Mỹ và châu Âu chịu sự quản lý chặt chẽ hơn nhiều. Các chính sách lương thưởng dành cho CEO các ngân hàng được điều chỉnh để ngăn chặn các hành vi vô đạo đức.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều bài học mà dường như thế giới vẫn chưa rút kinh nghiệm. Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách đã mắc nhiều sai lầm trong thời hậu khủng hoảng. Chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đứng đằng sau các ngân hàng khó khăn, thế nhưng họ lại bỏ rơi nhiều người dân. Ước tính, 9 triệu người Mỹ mất nhà trong suy thoái kinh tế, thêm 8 triệu người thất nghiệp. Khi các hộ gia đình buộc phải trả nợ, tiêu dùng người dân sụt giảm.

Phải mất đến 10 năm, các gói kích thích kinh tế mới có thể khôi phục lại tình trạng bình thường cho kinh tế Mỹ. Còn ở châu Âu, nhiều nền kinh tế vẫn gặp khó khi tổng cầu sụt giảm. Trong khi trên thực tế, lẽ ra chính sách tiền tệ và tài khóa có thể tạo ra nhiều tác động tích cực hơn. Các chính sách chịu sự cản trở bởi những lo lắng về nợ chính phủ cũng như lạm phát.

Cuộc khủng hoảng lan rộng khắp các nước bởi các ngân hàng châu Âu cạn nguồn USD để trả cho các khoản vay bằng đồng USD. Cuối cùng, Fed phải đứng ra làm bên cho vay cuối cùng, cung cấp đến khoảng 1 nghìn tỷ USD thanh khoản. Từ đó đến nay, giá trị các khoản vay bằng đồng USD ở bên ngoài biên giới Mỹ đã tăng gấp đôi.

Trong cuộc khủng hoảng sắp tới, chắc chắn hệ thống chính trị Mỹ sẽ không để Fed hành động để hỗ trợ cho cả một hệ thống lớn theo cách như vậy, kể cả nếu Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng. Cần phải tính đến củng cố cho dự trữ USD tại các nền kinh tế mới nổi, việc dựa vào quốc tế giờ đây không còn phù hợp nữa.

Chủ nghĩa dân tộc tăng cao cũng cản trở châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề cấu trúc của đồng euro. Cuộc khủng hoảng cho thấy ngân hàng của một nước và chính phủ nước đó có nhiều mối liên quan với nhau. Chính phủ chật vật vay nợ mới có đủ tiền hỗ trợ cho các ngân hàng, trong khi các ngân hàng gặp khó giá trị của nợ chính phủ sụt giảm.

Khi mà châu Âu đang phải chia sẻ quá nhiều rủi ro liên biên giới, từ hoạt động trên thị trường tài chính cho đến đảm bảo tiền gửi hay chính sách tài khóa, tương lai của đồng tiền chung sẽ vẫn còn chịu nhiều rủi ro.

Các nhà hoạch định chính sách đã làm cho nền kinh tế an toàn hơn, tuy nhiên vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Một thập kỷ sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, ngành tài chính thế giới vẫn còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết.

Theo Trung Mến – Cafebiz.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x